TS Trần Du Lịch kiến nghị 5 điều cấp bách cho TP.HCM, đặc biệt nên xây 1 khu thương mại tự do ở Cái Mép – Thị Vải
TS Trần Du Lịch đưa ra 5 kiến nghị cấp bách cho TP.HCM trong việc chuyển đổi các ngành công nghiệp. Trong đó, ông đề xuất xây dựng 1 khu thương mại tự do ở Cái Mép – Thị Vải để giúp TP.HCM đột phá trong thương mại và công nghiệp.
Tại tọa đàm chuyên đề “Động lực phát triển công nghiệp TP.HCM – Từ tiềm năng đến hành động” do UBND TP.HCM tổ chức ngày 17/7, lãnh đạo TP.HCM cùng các chuyên gia đều cho rằng sau sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, việc định hình và phát huy tối đa tiềm năng công nghiệp của khu vực TP.HCM mở rộng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
TS Trần Du Lịch – Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98, đã thẳng thắn kiến nghị 5 vấn đề cấp bách cho TP.HCM trong việc chuyển đổi công nghiệp trong bối cảnh mới.
TS Trần Du Lịch: TP.HCM không thể lệ thuộc lao động giá rẻ
TS Trần Du Lịch cho rằng để đạt được tốc độ tăng trưởng công nghiệp hai con số, TP.HCM mới không thể đi theo mô hình tăng trưởng cũ. Đó là tăng trưởng theo chiều ngang đang tập trung hiện nay là dựa vào nguồn lao động giá rẻ.
“Trong tương lai, không tìm được nguồn nhân công giá rẻ. Do đó, TP.HCM mới phải giải phương trình nhiều ẩn số”, TS Trần Du Lịch nhận định.
Cũng theo TS Trần Du Lịch, TP cần giải các bài toàn về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và chuyển đổi chức năng một số khu công nghiệp cũ.

TS Trần Du Lịch cũng nhấn mạnh công nghiệp không thể tăng trưởng hai con số nếu như không tách được tỷ trọng giá trị gia tăng trên cơ cấu giá trị sản phẩm. Chỉ giá trị gia tăng mới đóng góp vào GDP, chứ giá trị sản xuất không đóng góp.
Muốn vậy, công nghiệp TP.HCM mới phải là nơi hoạt động tốt nhất, hiệu quả nhất Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Triển khai Nghị quyết 57 trên địa bàn này trước hết là công nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng.
“TP.HCM phải giải bài toán này như một nơi tiên phong của đất nước”, TS Trần Du Lịch nói và cho biết việc tư duy theo hướng mới cũng sẽ giúp thành phố 14 triệu dân thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
5 giải pháp của TS Trần Du Lịch cho TP.HCM mới
“Để giải bài toán này, chúng ta có nhiều việc để làm. Tôi xin có 5 kiến nghị”, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Thứ nhất, ông cho rằng điều phải làm ngay là điều chỉnh quy hoạch công nghiệp của TP.HCM mới với quy mô mới và tầm nhìn mới. Đặc biệt quy hoạch cần bố trí lại theo lợi thế gắn liền Nghị quyết của Bộ Chính trị quy hoạch Đông Nam Bộ, lập vành đai công nghiệp đô thị dịch vụ từ Bình Dương đi Vũng Tàu tới Cái Mép – Thị Vải. Điều chỉnh công nghiệp gắn với đô thị dịch vụ.
TS Trần Du Lịch đánh giá đây là nhiệm vụ gấp rút cần phải làm ngay không được để chậm.
Nhiệm vụ thứ hai là phải nghiên cứu đánh giá từng ngành, nhóm ngành công nghiệp hiện nay về tỷ trọng giá trị gia tăng trên cơ cấu giá trị sản phẩm. Phải có đánh giá cụ thể trên từng ngành, nhóm ngành thì mới có thể làm và đề xuất chính sách.

Thứ ba, TS Trần Du Lịch kiến nghị cần tiến hành xây dựng một khu thương mại tự do (FTZ – free trade zone) ở Cái Mép – Thị Vải.
“Trong giai đoạn mới, chỉ khu thương mại tự do mới tham gia trực tiếp được vào chuỗi giá trị phân phối toàn cầu và thu hút đầu tư mạnh mẽ. Do đó, TP.HCM mới phải thực hiện nhanh vì đây được xem là một đột phá”, ông nói và giải thích rằng FTZ không chỉ là thương mại dịch vụ, mà còn là công nghiệp. FTZ sẽ kết nối với các trung tâm logistics (ICD) đã quy hoạch tại Dĩ An, Thuận An để nâng cao hiệu quả vận hành chuỗi cung ứng.
Thứ tư, công nghiệp TP.HCM phải đi đầu trong vấn đề thay đổi nguồn cung ứng về nguyên liệu. Ông gợi ý các ngành công nghiệp trọng điểm TP.HCM nên chọn 1 khu công nghiệp có quy mô lớn để thực hiện chuỗi giá trị. Chẳng hạn, ngành may mặc có đủ dệt, nhuộm, kéo sợi, làm nút để cung ứng nguyên liệu công nghiệp dệt may – da giày.
“Nếu làm riêng lẻ không nơi nào chấp nhận nhà máy nhuộm được. Như vậy, sẽ có lộ trình 10 năm thay đổi nguồn nguyên liệu. Tại sao chúng ta không chọn một khu để làm, công nghiệp TP.HCM phải làm nhanh nhất đầu tiên trong chuyển đổi cơ cấu nguyên liệu, tăng tỷ trọng nội địa hóa với sản phẩm phù hợp xu hướng”, ông nói.
Cuối cùng, để phục vụ chuyển đổi kép tức chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, TS Trần Du Lịch kiến nghị ngành công nghiệp TP.HCM cần bổ sung 1 ngành mới là công nghiệp năng lượng sạch và công nghiệp phục vụ chuyển đổi số, bởi hiện nay hạ tầng số của thành phố chưa đạt yêu cầu, năng lượng sạch, xanh và tái tạo cũng chưa có.
“Đây là những đột phá để hành động. Nếu được thì đưa vào thành chương trình hành động về chuyển đổi công nghiệp TP.HCM trong kỷ nguyên mới mà chúng ta dự kiến làm”, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.